1. Giới thiệu
Nhiều cha mẹ băn khoăn về khủng hoảng của trẻ tuổi lên 2, rồi lên 3, cũng có những cha mẹ tinh ý hỏi thêm rằng: Vậy khi nào trẻ hết khủng hoảng? Vậy khủng hoảng là gì? Và làm sao chúng ta đáp ứng tốt nhất khi nó thực sự diễn ra.
Đáp ứng chưa đúng với khủng hoảng
Phần lớn cha mẹ chia sẻ nhau là cứ mặc kệ cho trẻ qua cơn khủng hoảng thì sẽ hết, "cứ đợi qua tuổi rồi đâu vào đấy". Câu hỏi lại nêu lên "Vậy tại sao trẻ tuổi khác lại có khủng hoảng khác, vậy đợi đến bao giờ". Thực tế rằng: trẻ luôn có khủng hoảng, nhưng nếu cứ đợi đến khi trẻ 17 tuổi, thì bạn đang phí thời gian quý báu của trẻ- khoảng thời gian cần cho sự phát triển những kỹ năng cần thiết trong thời kì khủng hoảng cho độ tuổi trưởng thành sau này.
2. Khủng hoảng là gì?
Nhiều cha mẹ hiểu nhầm khủng hoảng là thời gian dở dở ương ương của trẻ và cho rằng "cứ kệ". Tuy nhiên, khủng hoảng là những thời điểm quan trọng cho 1 bước ngoặc và nếu cách xử sự và đáp ứng của bạn phù hợp sẽ giúp trẻ tăng tốc. Vậy, những bước ngoặc nó là những gì:
a. Sự độc lập >< sự phụ thuộc
b. Sự quyết định >< sự nghe theo
c. Sự am hiểu >< sự làm theo
Bạn muốn trẻ tăng tốc theo phía nào? "bên trái" hay "bên phải"? đều là do cách bạn đáp ứng. Nếu bạn cứ để "kệ trẻ" thì trẻ sẽ chọn vế phải bởi vì trẻ vẫn chỉ là một đứa trẻ khi không có hướng dẫn dù những lúc có điều kiện để phát huy nhưng trẻ vẫn chọn ở vị trí an toàn và ít nổ lực. Đó sẽ là vế phải. Ngay cả người lớn chúng ta cũng vậy thôi, đôi lúc cũng chỉ thích chọn cái gì cũng được làm sẵn mà ít chịu bắt tay làm.
Thực ra, về mặt phát triển tâm lý, khủng hoảng là thời điểm trẻ nhận thức được bản thân cần độc lập, cần suy nghĩ và xây dựng sự am hiểu. Trẻ phản kháng, trẻ làm điều trẻ đang nghĩ hoặc đơn giản phản ứng ngược lại điều cha mẹ mong muốn. Cha mẹ thường chỉ quan tâm dạy dỗ làm sao những đứa trẻ được hạnh phúc chứ ít quan tâm dùng phương pháp nào để giúp con phát huy được thế mạnh năng lực. Ngay tại thời điểm khủng hoảng này, những gì trẻ đang làm đi ngược với lý thuyết "được hạnh phúc"của cha mẹ, nên cha mẹ thường chống lại hoặc bất lực thay vì trở thành người hướng đạo công bằng. Khi bạn đặt vị trí mình thành người hướng đạo, trẻ con sẽ phát huy được thế mạnh năng lực của chúng.
Đúng là không dễ khi đã có một lối mòn, gọi là yêu thương dẫn lối, nhưng nếu bạn không làm khác thì suốt đời cũng không có 1 lối mòn khác.
Chuyên gia tâm lý học người Mỹ Julia Pappas thích gọi sự khủng hoảng của trẻ là một món quà, bởi vì nếu không có nó trẻ sẽ không lớn lên được, nếu không được hướng dẫn tốt trẻ khó mà trưởng thành thật sự.
3. Cách đối phó với khủng hoảng
Thực tế trẻ sẽ luôn có khủng hoảng suốt đến 17 tuổi, không ai biết là khi nào, lên 2 hay lên 3 chỉ là phần lớn quan sát được ở nhiều trẻ mà giai đoạn này não bộ đang phát triển nhanh. Chứ ít ai có thống kê cụ thể khủng hoảng sau đó. Thậm chí cũng hay gọi với từ nổi loạn tuổi teen. Cách dùng từ khủng hoảng hay nổi loạn chỉ là phản ánh bề mặt của vấn đề, nhưng lại gắn 1 cái nhãn không tốt cho hành vi này. Nó là hoàn toàn bình thường, chỉ là cách bạn nhìn nhận hay đáp ứng nó như thế nào. Có 2 cách có thể giúp bạn đáp ứng với mọi tình huống khủng hoảng của trẻ.
a. Lắng nghe và hỏi
Khi bạn lắng nghe trẻ nói, cái tôi của trẻ được tôn trọng, đó là lúc trẻ thể hiện được bản thân. Điều này sẽ làm chấm dứt sự phản kháng. Khi ấy hãy dùng kỹ thuật hỏi để bản thân trẻ nói cho bạn nghe.
VD: Đang đi trẻ bất ngờ bực bội với chiếc giày và đòi cởi ra dù là đang đi trên đất bùn.
Phản ứng thông thường của bạn: Không cho, quát mắng trẻ hoặc bế trẻ luôn. Lúc này, phản ưng của trẻ là càng chống trả thậm chí tự cởi giày vất ra đường. Tại sao lại có sự việc này? Bởi vì, cái bạn quan tâm là bẩn vớ của trẻ khi cởi giày, còn trẻ lại quan tâm là đôi giày. 2 quan tâm khác nhau sẽ không thể đi chung nếu mỗi người cứ khăng khăng cái của mình.
Phản ứng lắng nghe -hỏi: Bạn hạ tầm mắt để nhìn thấy trẻ và lắng nghe trẻ đang bực bội cái gì. Đó là cách bạn hiểu trẻ quan tâm đến đôi giày. Sau đó, bạn hỏi "có chuyện gì với đôi giày hả con". Trẻ có thể vẫn đang bực với đôi giày nhưng sẽ đáp ứng câu hỏi bạn. Khi đó, hãy dẫn bé sang 1 nơi sạch hơn và nói "được rồi, mình qua đây mẹ con ta xem chuyện gì với nó". Khi đó, câu chuyện đã được giải quyết. VD là khó chịu do chật, qua đó, bạn chỉ cần tháo giày cho trẻ tự mang lại trẻ sẽ tự điểu chỉnh chấp nhận.
b. Quan sát và kể chuyện
Quan sát cũng là cách bạn hiểu về vấn đề của trẻ và kể chuyện là 1 cách cho trẻ biết ai cũng có vấn đề này, thậm chí cả cha mẹ. Câu chuyện có thể là của bạn, hoặc từ 1 câu chuyện trong sách, 1 nhân vật nào đó bé thích.
VD: Trẻ khăng khăng đòi mua kẹo tại quầy tính tiền trong siêu thị.
Phản ứng thông thường: bạn không cho, và nói cô tính tiền bỏ ra. Trẻ câm tức và có thể nói "con ghét mẹ".
Phản ứng quan sát-kể chuyện: Bạn quan sát số lượng kẹo trẻ có và cho trẻ lựa chọn mua một giới hạn kẹo, như "con chỉ mua 1 trong 2 bịt này thôi, con chọn đi và đưa cô thu ngân". Khi về nhà hoặc trên xe hơi, có thể kể trẻ nghe câu chuyện như "ăn kẹo sẽ gây sâu răng như thế nào", nếu được, lấy ví dụ về bản thân bạn như "con biết không, mẹ từng bị sâu răng và đi nha sĩ trám 2 lỗ đó, con nhìn 2 lỗ màu đen của mẹ nè"... Câu chuyện có thể phát triển dựa vào tình huống quan sát, nhưng tránh làm nó quá kì bí, hay mang tính đe dọa hoặc quá sai sự thật. Câu chuyện là cách bạn giáo dục trẻ hiểu về tình huống và tự lựa chọn cách giải quyết sau này.
4. Lời kết
Khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3...của trẻ không quá là phức tạp, mà chỉ là 1 thời điểm thử thách khả năng hướng dẫn và đáp ứng của cha mẹ. Cách bạn ép trẻ làm theo hoặc mặc kệ trẻ cả 2 cách này đều không hiệu quả, mà đôi lúc ảnh hưởng đến những phát triển khả năng nhận thức quan trọng của trẻ.
Notes
Zandt, F. et al. (2017) Creative Ways to Help Children Manage BIG Feelings : A Therapist's Guide to Working with Preschool and Primary Children.
Nguồn: BS Anh Nguyễn – Chuyên gia sức khỏe dinh dưỡng trẻ em