Dẫn nhập
Một lần khi tư vấn cho 1 bé tầm 6 tuổi tôi nhận ra bụng của bé thường là "bao tập đấm" cho 1 bé khác ở trường. Đơn giản bởi vì bạn ấy nói "bạn ấy thích đấm vào bụng của con". Con bị đấm rất đau, nhưng bạn ấy nói "như vậy mới vui". Vì sao con không nói với cô giáo về điều này? Con không dám nói với cô, bạn ấy hung dữ lắm. Sư việc diễn ra hơn 2 năm nhưng người mẹ này không hề hay biết và nỗi sợ này vẫn kéo dài cho đến khi con vào lớp 1. Người mẹ chỉ kể rằng: khi nghe vào lớp 1 có bạn kia thì con tỏ ra lo lắng, sợ hãi và không chịu đi học.
Thực tế, việc ức hiếp và bạo lực vẫn diễn ra ở ngay độ tuổi mẫu giáo, chứ không phải ở lớp lớn mới xảy ra như chúng ta nghĩ. Với trẻ mẫu giáo, việc bạo lực có thể diễn ra ở 1 số bé tỏ ra "khôn lõi" và có sức mạnh hơn. Khi đó, vô tình bé này cho mình có quyền làm leader và thực hành các loại trò chơi, hay phim ảnh mà bé đã xem. Các bé còn lại thường chưa có kỹ năng cũng như chưa được hướng dẫn cách bảo vệ mình hay người khác nên thường không hiểu đó là điều cần nói cho thầy cô hay cha mẹ. Các bé khác nhìn thấy cảnh này cũng không nhận thức là nên mách với thầy cô. Do đó, bạo lực ở tuổi mẫu giáo là thường bị bỏ qua, nhưng nó có ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ về sau.
1. CÁCH ĐÁP ỨNG NÊN CÓ CỦA CHA MẸ:
• Chú ý quan sát các vết bầm bất thường trên cơ thể trẻ khi tắm. Với trẻ nhỏ, việc hỏi thẳng ai đánh, trẻ không trả lời nó ngay, mà có vẻ sợ hãi. Bạn nên tự tìm hiểu về hoạt động, trò chơi và các bạn trên lớp của trẻ theo từng bước như bên dưới.
• Khi trẻ bắt đầu đi học bạn thường hỏi về các hoạt động trên lớp hay trò chơi nào trẻ hay chơi.
• Khi trẻ đi học hơn 2 tuần trở lên bạn nên tìm một dịp chụp ảnh kỉ niệm cùng với lớp của bé. Khi trò chuyện về các bạn, bạn hỏi trẻ về sư thân thiết mà trẻ có với bạn nào trong hình. Chú ý quan sát trẻ nào trong hình mà làm con bạn rụt rè hay không muốn nói đến hoặc nói đến với vẻ tôn sùng kiểu sức mạnh. VD, bạn đó mạnh lắm mẹ? Thì bạn nên hỏi tiếp "sao con biết?" "bạn đó đấm đau lắm"...
• Nếu có sự bạo lực diễn ra, bạn nên nhờ cô giáo quan sát và theo dõi, thậm chí chuyển lớp cho bé khi cần.
• Không bao giờ là quá muộn khi tìm hiểu các hoạt động, chơi trò gì, chơi với ai trên lớp của con bạn. Hiểu biết sớm sẽ có hành động xử lý sớm để tránh sự việc đáng tiếc như bé tôi đã gặp.
2. TRẺ MÈ NHEO, BƯỚNG BỈNH VÀ KHÔNG CHỊU ĐẾN TRƯỜNG
Trái với hình ảnh háo hức và vui vẻ khi ngày đầu đến trường thì các ngày kế tiếp thực sự là "ác mộng". Trẻ thường khóc lóc, không chịu ăn mỗi sáng đến trường. Chiều về rất mè nheo bám mẹ. Liệu hành vi này của trẻ có đang bình thường?
Thực ra, đó là sự phát triển hành vi bình thường mà mỗi đứa trẻ khi phải thay đổi và tiếp nhận điều mới thường xuất hiện, ở đây gọi là "nỗi lo chia cắt". Khi đi vào môi trường mới, lạ lẫm khác ở nhà trẻ thường nhớ lại ngôi nhà và có mẹ ở bên. Nó là bài học đầu tiên để trẻ trưởng thành hơn.
Thời gian kéo dài bao lâu? Tùy mỗi bé, có thể vài ngày đến vài tuần, thậm chí vài tháng. Nếu cha mẹ đáp ứng tốt trẻ sẽ rút ngắn thời gian này và bắt đầu hòa nhập sớm vào môi trường mới để học tập, kết bạn.
CÁCH CHA MẸ ĐÁP ỨNG CHƯA ĐÚNG:
Thấy trẻ phản ứng quá, cho trẻ nghĩ để đợi trẻ lớn hơn thì cho đi học hoặc lúc nào trẻ khóc bướng quá thì cho trẻ nghỉ. Cách đáp ứng này có thể tưởng tượng như cách "kêu trẻ bước đi nhưng lấy tay giữ thắt lưng của trẻ". Nếu bạn không thể thả trẻ ra để bước đi thực sự thì đến bao giờ trẻ sẽ có cơ hội học được sự trưởng thành.
CÁCH ĐÁP ỨNG ĐÚNG:
• Vẫn kiên quyết cho trẻ đến trường
• Hứa sẽ đón trẻ sớm ít nhất 1 tháng và giữ lời hứa với trẻ
• Luôn quan tâm và yêu thương trẻ khi về nhà
• Tránh hỏi về bạn bè thầy cô trong 2 tuần đầu đi học, mà hỏi về các hoạt động trên lớp, món đồ chơi con chơi. VD, con chơi trò gì? kể mẹ nghe? Vì thời gian đầu trẻ chưa làm quen với ban bè và thầy cô. Nếu hỏi vấn đề này trẻ càng mè nheo, hoặc khóc lóc vì không biết trả lời.
Nguồn: BS Anh Nguyễn – Chuyên gia sức khỏe dinh dưỡng trẻ em